Thứ Bảy, 18 tháng 8, 2018

SONG LANG (2018) - "Cho nghìn sau lơ lửng với nghìn xưa"


Trên con đường về, giữa những ngổn ngang của cảm xúc chưa kịp xếp sắp lại, tôi đã nghĩ về một điều thật vui. Rằng ít nhất họ đã để lại được những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời nhau. Chỉ tiếc rằng, Linh Phụng mới chỉ là người "đánh thức" được chú voi lương thiện đang chập chờn giấc ngủ trong tâm hồn Dũng, còn vào khoảnh khắc Linh Phụng bước ra khỏi căn nhà của Dũng, Dũng đã ở giữa trái tim Linh Phụng mất rồi.




Như một người anh trong làng bình phim đã nói, nửa đầu 2018 là khoảng thời gian bùng nổ của những bộ phim đầu tay: "Nhắm mắt thấy mùa hè", "Thanh tra K" (Ống kính sát nhân) và bây giờ là "Song lang" của đạo diễn Leon Lê. Tôi không đi xem "Nhắm mắt thấy mùa hè", "Thanh tra K" là một trải nghiệm điện ảnh thú vị, tuy nhiên chỉ dừng lại ở mức "fan fic" cóp nhặt mỗi thứ một tí từ phim của Vương Gia Vệ và điện ảnh Hồng Kông những năm cuối thế kỉ 20, kèm một chút gọi là kịch bản.

Thế nên, "Song lang" với tôi là một chú ngựa ô gây nhiều bất ngờ. Mọi thứ tôi biết về phim chỉ là: 1, Có sự tham gia của Issac 365 và 2, Phim làm về nghệ thuật cải lương (lúc đấy tôi còn nhầm thành Hát Bội) và 3, Có thể là phim xuyên không (cái này thì phải trách chị Ngô Thanh Vân và Studio 68 của chị vì mọi người ham làm phim kì ảo với xuyên không quá) và cuối cùng 4, Có thể lại là một tác phẩm bị ảnh hưởng bởi Vương Gia Vệ ("Bá vương biệt cơ", cho bạn nào chưa biết).

Ngày hôm qua tôi bước vào rạp, với tâm thế của một người hoàn toàn không biết mình phải mong đợi điều gì từ trên màn ảnh. Nhưng rồi, sau thời lượng phim chỉ vừa bằng một trận bóng đá, tôi nghĩ mình đã tìm được bộ phim chỉn chu và đáng giá nhất già nửa mùa phim 2018.

Để không sa đà quá nhiều vào việc tiết lộ các tình tiết chính trong bộ phim, bài viết này sẽ chỉ tập trung vào mô tả lại cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân tôi sau khi xem phim.

Đầu tiên, có thể nhận thấy dễ dàng, là bộ phim diễn ra trong những không gian vô cùng chật hẹp (sau cánh gà, phòng thay đồ của các nghệ sĩ, cầu thang, nhà tắm, quán ăn trong ngõ, bên trong nhà... tất cả đều là các không gian kín có mái che). Cùng với màu phim ám hổ phách, khung cảnh này tạo ra cho người xem một cảm giác chật chội và uể oải, mà như nhiều người đã viết, chính là Sài Gòn của những thập niên sau Giải phóng. Thậm chí, những khi mặt trời xuất hiện, thì ánh sáng rực rỡ của nó cũng bị chặn lại phía sau những bức bình phong, bị cắt vụn thành muôn vàn đốm sáng, chỉ để nhấn mạnh thêm sự nhỏ hẹp của không gian mà các nhân vật đang hiện diện.

"Song lang" là một bộ phim chiếu rạp, nhưng nó không tập trung vào việc lấy lòng khán giả bằng những đại cảnh rộng lớn. Nó nhốt khán giả vào những cảnh phim nhỏ, mà mọi thứ chỉ xếp gọn trong một khung hình bằng màn hình chiếc ti vi với tỉ lệ khung hình 4:3 xưa cũ mà ngay cả truyền hình hiện đại cũng đã chẳng còn mặn mà. 

Dường như thể tất cả mọi thứ trong bộ phim này đều đang hướng khán giả đến một thông điệp: đây không chỉ là một câu chuyện nhỏ, một bộ phim nhỏ, mà còn là một Sài Gòn đã từng tồn tại, là những kí ức được lưu giữ lại, và giờ tái hiện lại trên màn ảnh. Và vì nó là kí ức, mà kí ức mang tính chủ quan, nên bộ phim chỉ là những hiện diện nhỏ bé đặt vừa vặn trong một khung hình, vừa vặn mắt nhìn của một con người. Và có lẽ, bởi nó là kí ức, là hoài niệm, là một lát cắt mỏng so với cả một đời người, nên sau cuối, tất cả chỉ như một tiếng thở dài khe khẽ.

Nhưng đằng sau tiếng thở dài ấy, là những điều đẹp đẽ và mĩ lệ xứng đáng đánh đổi bằng cả đời người.



Quay lại với "Song lang", ngoài việc phần lớn thời gian bộ phim diễn ra vào buổi tối - cũng chính là giờ mà những sân khấu cải lương sáng đèn, thì không phải ánh đèn sân khấu cải lương, mà chính ánh trăng mới là chất xúc tác giúp cảm xúc của các nhân vật thăng hoa. Giữa bộ phim chật hẹp và bị che chắn, đột ngột xuất hiện một khoảng không gian mênh mông, chính là sân thượng tòa nhà với khoảng trời đêm rộng mở, với mặt trăng mờ ảo trên cao, với nhân vật ngồi tựa vào tấm biển quảng cáo... Cứ như thể, đấy mới chính là tâm hồn của anh ta, còn phố xá chật hẹp bên dưới, chỉ là nhà tù giam hãm phần thể xác của anh ta vậy.

Cái sân thượng ấy, ngay lập tức khiến tôi nhớ đến cảnh phim trong "Blade Runner 2049", nhưng rồi trong đầu tôi vang lên tiếng hát của "Ánh trăng nói hộ lòng tôi", không phải với tiếng hát của Đặng Lệ Quân, mà là Trương Quốc Vinh. Sài Gòn trong bộ phim này làm tôi nhớ quá nhiều đến "Tâm trạng khi yêu", nhưng hai nhân vật chính cứ làm tôi nhớ không nguôi những hình ảnh của Trương Quốc Vinh, không phải trong "Bá Vương Biệt Cơ", mà là "Xuân quang xạ tiết". Một sự liên tưởng đơn thuần về mặt hình ảnh và vô nghĩa về cảm xúc, vì quả thực, bởi hèn nhát, tôi chưa bao giờ xem hết một bộ phim nào của Vương Gia Vệ.

Trên sân thượng ấy, trong một buổi tối mất điện, đôi mắt xa xăm của Linh Phụng nhìn lên bầu trời, ánh trăng rơi xuống đọng lại trên bờ môi Dũng, hai người đàn ông, bằng giọng trầm buồn thoáng vị nước mắt nối tiếp nhau lật lại những trang buồn vui trong cuộc đời mình... Cứ như thể cả vũ trụ chỉ còn tồn tại duy nhất khoảng không gian trên sân thượng, và trong lòng họ, chỉ tồn tại duy nhất người đang đứng bên cạnh mình. Tự dưng tôi lại nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Duy trong chương trình học phổ thông viết về ánh trăng: "Trần trụi với thiên nhiên/Hồn nhiên như cây cỏ". Ánh trăng sáng rọi xuống hai chàng trai khi ấy, phải chăng là bảo chứng chân thật cho hai tâm hồn cô đơn vừa tìm được nửa kia đồng điệu?

Nhưng có lẽ, như người ta vẫn luôn nói, ánh trăng chỉ là mộng ảo, chỉ là luồng sáng bạc lạnh lẽo và yếu ớt so với nguồn sáng của mặt trời, hay thậm chí, là ánh sáng của đèn điện, nên mối lương duyên mà nó là người se nên, cũng thật khó mà giữ được trong lòng bàn tay.

Với những khán giả thích sự chuyển động, mọi thứ diễn ra vào buổi tối ngày hôm ấy, mọi xung đột, mọi ồn ã, mọi tranh cãi và cả những khoảnh khắc dịu dàng giữa Linh Phụng và Dũng sẽ lấp đầy trái tim họ, bằng một dự cảm gì đó giống như tình yêu. Nhưng với tôi, chỉ cần khoảng dừng chân của thời gian trên sân thượng tòa nhà Sinco ấy, mọi thứ đã sáng lên rực rỡ lấn át tất cả những điều còn lại mất rồi.

Và tôi cũng yêu biết bao, cũng buồn biết bao khi xem cảnh Dũng đàn, và Linh Phụng cất tiếng hát. Họ hát bài ca mà người cha của Dũng đã soạn ra dành cho người vợ đã vượt biển. Tự nhiên tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác bài "Nửa hồn thương đau" để tưởng nhớ đến tình yêu dành cho người vợ đã dứt nghĩa ra đi. Quả đúng là, người ta chỉ viết được về nỗi đau, thấm thía được nỗi đau khi tự mình trải qua nó, dù chỉ một lần trong đời.



Những tháng ngày xưa cũ, cha của Dũng đàn, và anh ngồi đánh nhịp, và không có tiếng ca cất lên - bởi người ca sĩ đã mang linh hồn của bài ca, cũng là linh hồn của gia đình ấy đi mất rồi. Thế nên, tôi xem cảnh Dũng đàn cho Linh Phụng hát, mà như đang chứng kiến Linh Phụng mang hơi ấm gia đình về cho trái tim đã chai sạn vì bao biến cố cuộc đời của anh. Đến lúc ấy, mọi sự không chỉ còn là câu chuyện tình cảm giữa hai người đàn ông, không chỉ là chuyện ai đàn ai hát. Mà nó đã trở thành khoảnh khắc Dũng tìm được con đường quay về với những hạnh phúc ngày xưa, tìm lại được niềm đam mê đã mất. Thông qua giọng hát của chàng trai Linh Phụng.

Vừa chậm dãi, vừa dịu buồn, và ám ảnh người xem bởi những điều thật đột ngột, tôi đã xem "Song lang" trong một buổi tối trời mưa, là người duy nhất ngồi trong rạp. Tôi đã không khóc. Bởi ngay khi ấy, tôi không thể lập tức nghĩ đến nhiều điều như khi tôi đang ngồi viết lại chúng ra đây vào lúc này. Có chăng, trên con đường về, giữa những ngổn ngang của cảm xúc chưa kịp xếp sắp lại, tôi đã nghĩ về một điều thật vui. Rằng ít nhất họ đã để lại được những dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời nhau. Chỉ tiếc rằng, Linh Phụng mới chỉ là người "đánh thức" được chú voi lương thiện đang chập chờn giấc ngủ trong tâm hồn Dũng, còn vào khoảnh khắc Linh Phụng bước ra khỏi căn nhà của Dũng, Dũng đã ở giữa trái tim Linh Phụng mất rồi.

Đành kết lại bài bằng đôi câu thơ trong bài Ngập ngừng của Hồ Dzếnh, vì có lẽ chẳng còn gì để nói về Song Lang một cách đẹp đẽ và đầy nuối tiếc như thế:

"Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé!
Tôi sẽ trách - cố nhiên! - nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi, em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau... lơ lửng... với nghìn xưa..."

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

MULHOLLAND ROAD (2001) - CHIẾC HỘP XANH ẨN CHỨA ĐIỀU GÌ?





Xin được bắt đầu bài viết bằng việc kể lại một câu chuyện chưa cũ lắm. Đó là tháng vừa rồi, trong khuôn khổ chương trình Không gian điện ảnh, trung tâm TPD đã chiếu 6 bộ phim thuộc thể loại kì ảo/viễn tưởng lần lượt là: Brazil (1986), Solaris (1972), Donnie Darko (2001), Memento (2002), 2001: A Space Odyssey (1968) và Mulholland Road (2001). 

Một cách tương đối, thì có thể sắp 6 phim trên làm hai nhóm - một nhóm phim giàu tính biểu tượng triết học, và nhóm còn lại tập trung vào việc lắp ghép chuỗi đứt gãy các tình tiết thành một mạch truyện hoàn chỉnh. Mình xếp 2001: A Space Odyssey, Brazil và Solaris vào nhóm đầu tiên, Donnie Darko, Memento và Mulholland Drive vào nhóm thứ hai.

Nội dung của Mulholland Drive được tóm tắt đơn giản bằng một vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường Mulholland đã kết nối một người phụ nữ bị mất trí nhớ với một nữ diễn viên triển vọng. Hai người phụ nữ dấn thân vào hành trình tìm kiếm những dấu vết và bằng chứng để làm sáng tỏ thân phận của người phụ nữ bị mất trí nhớ kia.

Nhưng mình lại thích ví Mulholland Drive giống như khoảnh đất dưới gốc cây bồ đề, hay mất cứ một điểm trung chuyển tâm linh nào mà tại đó, con người ta nhận ra, họ chỉ đơn giản, là đã không còn tồn tại nữa. Theo cách nhìn nhận này, thì ngay từ đầu bộ phim, khán giả đã được chứng kiến câu chuyện pha lẫn giữa thực và ảo, giữa kí ức và tưởng tượng của hai cô gái - Rita và Betty, trước khi họ kịp nhận ra chuyện gì đã xảy ra với cuộc đời mình. 

Điểm mấu chốt cho giả thiết này nằm ở chiếc chìa khóa của Rita và cái hộp trong túi của Betty. Chiếc hộp ấy, không chỉ là tượng trưng cho cánh cửa dẫn đến với thế giới vĩnh hằng - nơi mà hồn ma của hai cô gái phải đến khi họ cuối cùng cũng nhận ra mình đã chết, nó còn là chiếc hộp Pandora ẩn chứa bên trong đó mọi tội lỗi vốn bị che giấu. Bên trong chiếc hộp ấy, là phần hiện thực méo mó và xấu xí, ê chề những ghen tuông và bội phản mà các nhân vật luôn muốn tìm cách rũ bỏ.

Ở góc nhìn chủ quan của nửa cuối bộ phim, thì chi tiết kì lạ khi cái hộp đột ngột xuất hiện trong chiếc túi của Betty lại tiếp tục dẫn người xem đến một giả thiết khác. Betty, hay cô gái với cái tên Diane thực sự đã từng là một cô gái đầy mộng mơ, bước chân đến Hollywood với một trái tim rộng mở. Rồi cô thực sự đã gặp Rita, một cách đầy ngẫu nhiên, rồi cũng ngã vào tình yêu với Rita đúng theo cái cách mà Betty đã ngã vào tình yêu với Rita - không toan tính, đầy tính xác thịt. Và rồi đến một thời điểm, cô đã bị Rita cuốn đi, đánh mất sự chủ động của mình - như cái cách mà cô đã sợ hãi, run rẩy trong rạp hát. Chiếc hộp màu xanh xuất hiện trong túi của Betty vào cuối buổi biểu diễn, cũng như những thù hận và ghen tuông của Diane xuất hiện sau khi cô nhìn thấy Rita gắn bó với một tay đạo diễn khác.

Chiếc hộp màu xanh, trong trường hợp này, chính là cái hộp Pandora chứa đựng phần ác cuồng nộ trong lòng Diane, là cái hộp chứa đựng nỗi sợ hãi của Betty. Và, đoán xem ai giữ chìa khóa để mở chiếc hộp đó, ngay từ khi bộ phim mới bắt đầu? Rita. Rita là người giữ chiếc chìa khóa với kết cấu kì lạ. Rita chính là người đã mở chiếc hộp bất hạnh. Và rồi, chính cô là người đã bị chiếc hộp ấy nuốt chửng - giống như trong đời thực, Rita có lẽ đã bị giết bởi tay sát thủ mà Diane thuê.

Tạm đặt sang một bên lí giải về hình ảnh chiếc chìa khóa và cái hộp xanh, phần tiếp theo mình sẽ nói về những tình tiết được tung ra rải rác xuyên suốt bộ phim. Thật khó để có thể phân định rạch ròi chuỗi tình tiết ấy thành hai nửa thực - ảo, bởi như mình đã nói ở bên trên, chúng là sự pha trộn giữa kí ức thực của Rita và Diane với những ảo ảnh đẹp đẽ, giống như thứ thuốc giảm đau mà não bộ tự sinh ra trước lúc con người ta qua đời. Một sự an ủi muộn màng, để khoảnh khắc của cái chết không phải là khoảnh khắc của tận cùng đau đớn.

Nếu sắp xếp lại những tình tiết của Mulholland Drive theo trục thời gian, một cách tương đối, ta sẽ có mạch truyện như này: Diane và Rita là hai diễn viên cùng muốn lập thân tại Hollywood. Nhưng Rita nhanh chóng trở thành ngôi sao, còn Diane thì không. Họ cũng có mối quan hệ tình cảm với nhau, nhưng nhanh chóng trở nên lạnh nhạt và tan vỡ khi Rita bỏ đi theo một anh chàng đạo diễn, và còn chẳng buồn che giấu điều ấy khỏi Diane. Diane sau đó, mang theo những khổ đau và bẽ bàng, sau bữa tiệc tại nhà của tay đạo diễn kia, đã nhận ra cô chỉ là một trong số rất nhiều những cô gái ngây thơ và mù quáng bị thao túng bởi Rita, dưới danh nghĩa "tình yêu". Diane sau đó đã thuê một tay sát thủ để trả thù Rita. Rita sau đó bị bắn chết (hoặc cũng có thể là tai nạn chết) trên đường Mulholland Drive. Phần hồn của cô sau đó đã đi lang thang đến khu nhà mà Coco - mẹ của anh đạo diễn làm quản lí và trú ngụ ở đó. Còn phần của Diane, sau khi biết tay sát thủ đã thành công, cô bắt đầu bị ảo giác và quyết định kết thúc cuộc đời mình bằng một phát súng vào đầu. Khi còn sống, cô luôn mơ về một cuộc sống xa hoa ở Hollywood và người bác với khoản tiền ít ỏi đã giúp đưa mình tới nơi đây. Phần hồn của cô trở thành Betty, và cũng đến khu nhà của bà Coco. Bởi Rita chết trước Diane, nên khi Diane đến ngôi nhà, cô đã thấy Rita ở đó, mất toàn bộ trí nhớ, với hành trang không có gì ngoài tiền - bởi trước lúc chết cô ta vẫn là một diễn viên đang lên, và chiếc chìa khóa xanh để mở chiếc hộp sẽ xuất hiện trong phần phim sau này.

Đến đây, mọi thứ phần nhiều có lẽ được xây dựng dựa trên kí ức thật của hai người - Betty đi thử vai, họ đã có những phút giờ gắn bó. Rồi khi nhìn thấy cái xác trong ngôi nhà số 17, cả Betty và Rita đều đã mơ hồ nhận ra họ không còn sống nữa - Rita hoảng loạn vì cô nhận ra cái xác là của Diane/Betty, còn Betty bình tĩnh trấn an Rita, bởi cô biết rõ, cái xác ấy là mình. Rita đưa Betty đến buổi biểu diễn - nơi mà mọi thứ đều ám chỉ việc sự tồn tại hữu hình một thứ không còn nữa, nhưng vẫn còn những thứ vô hình khác của nó tồn tại - như dàn nhạc không còn, nhưng phần biểu diễn được thu âm của họ vẫn sẽ vang lên khi được phát lại, người ca sĩ đang hát rồi gục chết trên sân khấu, nhưng tiếng hát của cô ta thì vẫn cứ ngân nga mãi không thôi... Khi xem phim, mình đã nghĩ Betty và Rita khóc vì lời bài hát, nhưng ngẫm lại, có lẽ họ khóc vì nhận ra, cả hai đều chỉ còn là những linh hồn.

Và không phải vô tình khi chiếc hộp xuất hiện vào ngay lúc ấy - khi cả hai người họ đã nhận ra bản chất sự tồn tại của mình. Nếu chiếc chìa khóa ở đầu phim là câu hỏi, thì chiếc hộp chính là câu trả lời. Nếu như thân phận của Rita là câu hỏi, thì sự tuyệt đối của cái chết với họ chính là câu trả lời.

Câu hỏi tiếp theo, vậy thì khoảng hư ảo đầy mộng mơ và tuyệt đẹp trước khi chết ấy thuộc về ai trong số Betty và Rita? Mình nghĩ, nó là của Rita. Bởi theo một cách nào đó, mục đích của Betty cho tới cùng, không phải để thỏa mãn sự say đắm cô dành cho Rita hay sao? Có lẽ Rita cũng hiểu những tình cảm ấy, và sự hiểu biết ấy đã phản chiếu vào những ảo ảnh cuối đời của cô và tạo ra một Betty vừa ngây thơ vừa nhân hậu lại vừa trong sáng. Tất nhiên, điều kiện để những lí giải này của mình trở nên hợp lí, là nhân vật anh chàng đạo diễn sẽ chỉ xuất hiện trong đời thực của hai cô gái - giống như tay sát thủ vụng về đã tạo ra không ít tiếng cười u ám.

Thường thì mình sẽ đọc (và xem phân tích) về mỗi bộ phim trước khi viết cảm nhận, nhưng với Mulholland Road, vì đây là phim cuối cùng trong chuỗi phim "căng não", mình muốn đảo ngược lại trình tự này, để thấy mình thực sự cảm nhận bộ phim đến đâu. Và khi biên đến những dòng này, thì mình đang đọc một bài phân tích về việc sử dụng màu xanh dương trong bộ phim này - chiếc chìa khóa, chiếc hộp, mái tóc của người phụ nữ ngồi ở hàng ghế hạng nhất trong nhà hát... Tiếp theo hẳn mình sẽ phải đi tìm hiểu về ý nghĩa trường đoạn hai người đàn ông trong quán vào đầu phim. Và cuối cùng, một vài bài phân tích để kiểm chứng tất cả những gì mình viết bên trên.


- Phan Hải Anh -





Thứ Tư, 11 tháng 7, 2018

TÀN THẾ - Guillermo Del Toro & Chuck Hogan



Series ba phần này ở Việt Nam có lẽ được biết đến nhiều hơn với phiên bản chuyển thể thành TV series với tên The Strain (hiện tại đã khép lại ở mùa thứ 4 với 46 tập phim). Cả phiên bản sách và phim đều được xây dựng bởi bộ đôi tác giả Guillermo Del Toro và Chuck Hogan. Chuck thậm chí còn là sản xuất chính và biên kịch cho phần lớn các tập phim trong series.

Quay lại với cuốn sách.

Nếu ví ba phần của trilogy này với mô hình một bộ phim điện ảnh dài 90 phút, thì Dị chủng chính là phần mào đầu hấp hẫn, phần phát triển đầy kịch tính; thì Tàn thế là khoảng khắc mà mọi thứ chạm sâu tới đáy tuyệt vọng - nhân vật mất đi mục tiêu, thế giới xung quanh sụp đổ (thực ra thế giới ấy đã sụp đổ từ khoảnh khắc đầu tiên của Dị chủng rồi, nên nó có sứt mẻ thêm một chút, à không, nhiều chút nữa chắc cũng chả thể khiến mọi sự tệ hơn), các nhóm nhân vật phân tách, thế giới chìm trong trạng thái chết lâm sàng... Mọi thứ lắng xuống, chờ đợi một cú chạm đánh thức, để bắt đầu vùng vẫy ngoi lên từ dưới đáy sâu.

Nếu Dị chủng mang không khí của một TV series - mang đến cho người xem cái nhìn đa diện với thời gian câu chuyện diễn ra khá dài, với nhiều tuyến nhân vật, tình tiết không nhanh mạnh mà chủ yếu tìm kiếm sự giật gân để tấn công vào sự tò mò của khán giả; thì Tàn thế lại mang hơi hướm của một phim điện ảnh hành động - tổng thời gian diễn ra sự việc ngắn, thời lượng hành động nhiều hơn, lối xây dựng nhân vật hay thiết kế các tuyến truyện phụ cũng được tiết chế, chỉ giữ lại những mắt xích quan trọng nhất.

Nhìn trên nhịp điệu của sự việc, thì Tàn thế rõ ràng đã làm độc giả của nó cảm thấy phấn khích hơn hẳn so với Dị chủng. Nhưng mổ xẻ từng nhóm tình tiết trong cuốn truyện này, thì ta dễ dàng nhìn thấy sự vòng vo của bộ đôi tác giả - khi các tình tiết diễn ra thiếu đi một chút của sự đồng điệu. Đôi lúc người đọc mất dấu các nhân vật, không phải bởi họ bị giấu đi giữa những con chữ, mà bởi, nhất thời nhân vật chỉ như thể vừa bước vào một cánh cổng dịch chuyển tức thời, và "BÙM", họ xuất hiện ở một bối cảnh khác, như thể họ đã ở đó ngay từ đầu. (Một chút spoil nhẹ) Sự lệch nhịp này hiện hình rõ nhất trong chương truyện khi Eph di chuyển từ con tàu trên sông để di chuyển đến nhà ga trong lòng đất.

Nhưng chỉ trừ khi, bạn khó tính tới độ quá thể quá đáng, còn nếu không, thì một nốt nhạc lạc điệu bên trên sẽ hoàn toàn không làm bạn giảm bớt chút cảm giác thích thú nào dành cho cuốn sách này, cho các nhân vật, và cho những khoảnh khắc thắt tim, khi sự biến đổi bắt đầu. Sự biến đổi của Trái Đất, sự biến mất của các thế lực cũ, sự chuyển vai... và giống như trong Dị chủng, sự mất mát một nhân vật được yêu thích.

Nhân loại đã đến hồi cáo chung, hay đây chỉ là khoảnh khắc cuối cùng của màn đêm trước khi ánh nắng đầu tiên của một ngày mới rọi xuống Trái Đất? Thực tình thì bạn sẽ phải kiên nhẫn hơn một chút để có được câu trả lời, vì Tàn thế mới chỉ là một bức màn nữa được vén lên trên hành trình tìm đến câu trả lời sau cuối.
#THESTRAIN #Dị_chủng #Tàn_thế #Nhanam #sci-fi#horror #fantasy
--------------------

P/S: mình thích bánh tart chanh của The Coffee House và tan vỡ trái tim vì món trà hoa đậu biếc machiato :((((

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

Avengers | Infinity War - Cuốn kỉ yếu 10 năm của cả villain và các siêu anh hùng

Thanos phải trầy vi tróc vẩy mới có được những viên đá mang lại sức mạnh. Nhưng chúng ta - những khán giả, chẳng cần đánh nhau với ai, chúng ta đã có trong tay một viên ngọc quý. Avengers | Infinity War chính là một viên ngọc quý. Viên ngọc kết tinh từ hành trình 10 năm của vũ trụ điện ảnh lớn nhất nhì quả đất này.



Điều đầu tiên phải nói về Infinity War, là nó làm dấy lên ở cộng đồng xem phim vốn dĩ loạn xà bần ở Việt Nam một phong trào - chả còn xa lạ lắm trên thế giới, nhưng mới mẻ và "văn minh" ở Việt Nam: Không tiết lộ trước nội dung phim sau khi ra khỏi rạp.

Tất nhiên, không thể quy kết việc tiết lộ trước nội dung phim là nghĩa vụ và trách nhiệm của những người "trót" đi xem suất chiếu sớm. Và đó thậm chí còn chả phải thói quen của một vài anh chị hay viết bình luận phim trên mạng. Bởi khi mà bạn spoil càng nhiều nội dung phim, đồng nghĩa với việc sự quan tâm bạn nhận được từ những người không muốn bỏ tiền đi xem/không thích phim đấy lắm/tò mò sẽ càng lớn. Tâm lí làm giàu kiểu tăng xin giảm mua mà =)))

Nhưng ơn giời, với Infinity War, cán cân có vẻ đã xoay chuyển, khi bắt đầu xuất hiện rầm rộ trên các hội nhóm lời "cảnh báo" cấm spoil trước tình tiết, đứa nào tiết lộ trước sẽ bị cho ra đảo chơi. Một phần của trào lưu này chắc chắn bắt nguồn từ lời nhắn nhủ của chính đội sản xuất đăng trên fanpage chính thức của Avengers, nhưng một phần khác, chắc chắn nó đến từ chính sự ý thức của những người xem về tầm quan trọng và giá trị của Infinity War. Họ chẳng thể để một viên ngọc quý giá bản thân mình đã mong chờ suốt 10 năm bị hủy hoại bởi những đầu ngón tay gõ phím không biết điểm dừng.

Như đã nói trong một post trước của mình ngay sau ngày xem suất chiếu sớm, vật lộn với việc muốn gào lên ối giời ơi phim hay quá, và trách nhiệm với cộng đồng những người yêu mến và trân trọng bộ phim, mình chỉ có thể nói Infinity War là viên ngọc quý mà bạn chẳng phải mất công tranh giành để có được. Đấy, chúng ta hạnh phúc hơn Thanos nhiều =)))

Nói về bản thân bộ phim, thì điều đầu tiên mình muốn đề cập đến, chính là tổng thể hài hòa của nó. Không chỉ ở sự tách bạch các chiến trường, phân bổ thời lượng của từng cụm cảnh, của từng nhân vật - đây vốn dĩ đã là thành tự làm nên bản sắc của MCU từ cái thời mà họ nhét Iron Man, Captain America, Thor, Hulk, Hawkeye và Black Widow vào chung một phim để tạo ra Avengers I rồi. Mang cả một tiểu đội nhân vật lên sân khấu và không bỏ quên bất cứ một ai, Marvel Studio chưa bao giờ khiến người xem thất vọng về khả năng "left no one behind" của họ.

Sự hài hòa thứ hai cần được chú ý đến, chính là sự chuyển nhịp uyển chuyển giữa, không phải các cảnh phim hay nhân vật, mà chính là các thể loại cùng xuất hiện trong bộ phim này. Tâm lí tình cảm - hành động - hài - chính kịch... người xem bắt đầu một cảnh phim bằng cuộc chia li giữa hai người yêu nhau, và kết thúc cảnh phim ấy bằng một trường đoạn chiến đấu dồn dập, hay bắt đầu một cảnh phim khác bằng màn tấu hài giữa một đống nhân vật, nhưng lại kết thúc bằng một màn tự thuật đầy cay đắng và bi thương. Infinity War tập hợp rất nhiều siêu anh hùng, với nhiều vấn đề khác nhau, nhưng mọi thứ diễn ra đều mượt mà và không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực thích nghi từ phía khán giả. Bởi bằng cách nào đó, họ đã tìm ra được một mẫu số chung cho tất cả những vấn đề ấy. Mẫu số chung nằm trong chính vấn đề của các nhân vật, chứ không phải gã titan tím ngắt tên Thanos kia.

Nói về Thanos, nếu mọi người còn nhớ, trong after credit 2 của Thor: Ragnarok, nhân vật Grand Master có nói đại nếu muốn làm cách mạng thì phải có kẻ để lật đổ, các cưng không cần cảm ơn anh đâu. Suốt một thập kỉ làm phim, với một nửa thời gian ấy bị đem so sánh với DCEU, MCU luôn bị chỉ trích vì một điểm yếu chí mạng, đó là những tên phản diện nửa mùa. Nhưng với Infinity War, và ngay trước đó, là Black Panther, MCU đang dần chứng minh cho người xem thấy, họ đang nỗ lực để hoàn thiện diện mạo của mình từng ngày.

Trong cuốn kỉ yếu 10 năm của mình, chẳng khó để thấy, Marvel Studio dùng phần quan trọng nhất, không phải dành tôn vinh những siêu anh hùng, mà để hoàn thiện nhân vật phản diện quan trọng nhất của họ trong giai đoạn này - Thanos. Mọi thứ trong Infinity War đều xoay quanh Thanos - hành trình của hắn, mục tiêu của hắn, tham vọng của hắn, hành động của hắn, và cả tâm hồn của hắn. 

Đến thời điểm bài review này được lên sóng, thì chắc chắn mọi người đều đã biết "qua qua" những gì xảy ra trong gần ba tiếng của Infinity War. Một trong số đó, được mình đùa vui ngay khi đi thang máy xuống tầng hầm gửi xe sau khi phim chiếu xong, là kế hoạch của Thanos cho 10 năm đầu của MCU nên được đặt tên là Chính sách dân số của Thanos. Một kế hoạch mà đến thời điểm này, mình thực sự phân vân giữa việc mình ủng hộ hay phản đối nó. Một tên phản diện với kế hoạch khiến mình phải băn khoăn thực sự về tính hợp lí hay phi lí của nó, thì không phải một tên phản diện sức trâu não bò rồi. Rõ ràng là vậy.

Vẫn còn nhiều điều mình nghĩ mình sẽ muốn nói thêm về nhân vật Thanos này - từ khía cạnh so sánh ông ta với những điều mình đã đọc, đã xem, đã biết và đã viết chứ không nằm trong mối tương quan với một lịch sử khổng lồ những issue truyện tranh của Marvel (vì thực sự mình chả biết gì về nó cả). Nhưng hãy để việc đó cho sau này đi.

Cuối cùng, về các siêu anh hùng. Ôi các siêu anh hùng!

Ba mươi phút trước khi phim chiếu, mình vẫn hoang mang cảm thấy mình chưa sẵn sàng để bước vào rạp xem phim. Mình thấy mình chưa sẵn sàng để nhìn thấy các nhân vật mình yêu thích "tốt nghiệp" và rời khỏi vũ trụ điện ảnh mà mình yêu thích suốt 10 năm nay. Nhưng rồi khi đã bắt được bản thân ngồi vào ghế, và phim bắt đầu, mình lại cảm thấy thật nhẹ nhõm. Vì được gặp lại họ một lần nữa trên màn ảnh, lại thấy họ sống và hành động với trách nhiệm và sức mạnh của mình.

Thiết nghĩ, được thấy họ một lần nữa, dù sự xuất hiện ấy có dẫn định mệnh của họ tới đâu đi nữa, thì vẫn tốt hơn là dữ câu chuyện của họ dang dở cho chính mình.

Và quả là từng người trong số họ đều đã có một sân khấu cuối cùng hoành tráng. Ít nhất là trọn vẹn trong giai đoạn này - với những câu chuyện, với những trăn trở mà khán giả đã thuộc nằm lòng suốt 10 năm qua, với những thứ với chúng ta là quen thuộc, nhưng với những nhân vật sẽ xuất hiện trong mốc thời gian từ bây giờ cho tới năm 2020, là điều mới mẻ cần phải tìm hiểu.

Thế nên, nói theo một cách nào đó, Infinity War chính là cuốn kỉ yếu lưu giữ hành trình 10 năm, không chỉ là cuộc chiến của các siêu anh hùng, là hình ảnh hoàn chỉnh của kẻ phản diện nguy hiểm nhất, mà còn chính là 10 năm cuộc đời của chúng ta - những người đã dành trái tim mình cho họ.

- Anh Phan -


Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2018

A Quiet Place - Vùng đất câm lặng của những đau thương cầu mong được cứu chuộc

Không rầm rộ, không bom tấn, không jump scare không chiêu trò, A Quiet Place - bộ phim chính kịch thuộc thể loại tâm lí - viễn tưởng vẫn dễ dàng chiến thắng trái tim khán giả. Có lẽ bởi, con đường của bộ phim ấy, không phải đi từ màn ảnh vào trái tim khán giả, mà chính là sự cộng hưởng từ bên này là sự tĩnh lặng của bộ phim, và bên kia là chính âm thanh của nỗi cô đơn bên trong mỗi con người.



Bộ phim mở ra vào ngày thứ 89 sau cuộc đổ bộ của một giống loài ngoài hành tinh bí ẩn lên Trái Đất. Ở một thị trấn hoang tàn nọ sâu giữa vùng rừng núi, có một gia đình nhỏ gồm bố mẹ và ba người con đang chật vật tìm cách thích nghi với cuộc sống mới không phát ra tiếng động. Ngày thứ 89, vừa đánh dấu mốc thời gian kỉ lục của sự sinh tồn, vừa là cột mốc đớn đau không thể quên khi họ mất đi đứa con út của mình - đứa trẻ bốn tuổi mãi mãi sẽ chẳng thể nào hiểu tại sao bố mẹ không cho nó khởi động chiếc tên lửa đồ chơi phát ra tiếng kêu í o.

Nhưng như người ta vẫn nói, thời gian xóa đi mọi vết thương. Gần hai trăm ngày sau biến cố đầy đau thương và kinh hoàng kia, gia đình nhỏ vẫn sống chuỗi ngày chìm trong im lặng - ăn cá bắt dưới suối, dùng lá thay cho bát đĩa, rải cát mịn trên đường đi để bảo vệ đôi chân trần, thay thế những món đồ chơi có thể gây ra tiếng động trong nhà mình bằng những món đồ bằng len móc... Tất cả mọi cất đặt chỉ nhằm mục đích giữ họ an toàn trước cuộc đi săn của những kẻ xâm lăng với thính giác nhạy bén. Nhưng cuộc sống ở thế thăng bằng trên lưỡi dao nhọn ấy đang từ từ đi đến bến bờ tan vỡ, khi gia đình nhỏ chuẩn bị đón thêm một thành viên mới. Một sự sống mới ra đời với bản năng tự nhiên là tạo ra những âm thanh.

"A Quiet Place" làm tôi nhớ đến một câu chuyện ngày xưa, một anh chàng vô tình biết được bí mật rằng nhà vua của họ có một đôi tai lừa. Anh ta buộc phải giữ bí mật ấy với cả kinh thành. Bứt rứt vì không thể cất tiếng, anh chàng đào một cái hố to ở góc vườn rồi gào vào đó bí mật của mình. "A Quiet Place" cũng thách thức cách cả hàng nghìn năm nay chúng ta coi ngôn ngữ (thời kì tiền ngôn ngữ, là âm thanh) như một cách trao đổi thông tin liên lạc.

Sống giữa một vùng đất hoang vắng, dưới cái bóng của những kẻ săn mồi nguy hiểm, bị tước đi phương tiện trao đổi phổ thông nhất, bản năng nhất, chẳng khó để tưởng tượng áp lực mà bốn thành viên trong gia đình ấy phải gánh lên vai mình: người cha với trách nhiệm bảo vệ cả gia đình, người mẹ với trách nhiệm chăm lo cho những đứa trẻ, bao gồm cả đứa con đang lớn lên trong bụng mình, cô con gái cả khiếm thính với những tâm sự tuổi mới lớn, và cậu con trai thứ với nỗi hoang mang sợ hãi trước cả thế giới này... Bốn con người, với bốn tâm lí quá sức phức tạp, mất đi phương tiện để cùng nhau chia sẻ và giải quyết những bất ổn của bản thân mình, dần trở thành bốn thế giới cô độc chẳng thể dung hòa.

"A Quiet Place" là bộ phim mà trong đó, người xem sẽ thấy hàng loạt những vấn đề phức tạp chồng chéo lên nhau của một gia đình nhiều góc tối: gánh nặng của người cha trong vai trò trụ cột gia đình, xung đột giữa cha và con gái tuổi vị thành niên, gánh nặng tội lỗi mà mỗi người trong gia đình ấy tự gánh lên mình sau cái chết của người con trai út... và cả một chút, của tư tưởng bình đẳng giới. 

Nhưng những vấn đề phức tạp về góc tối trong đời sống của mỗi cá nhân trong một gia đình, bị đe dọa bởi cái chết ấy lại được thể hiện theo một cách khác xa sự lạnh lùng hay tàn nhẫn thường thấy trong những bộ phim kinh dị. Có lẽ là do sắc màu ấm áp của mùa thu, có thể do những ngày ở vùng đất ấy, không một ngày nào thiếu vắng ánh sáng mặt trời, mà cũng có thể bởi nụ cười và khiếu hài hước không bao giờ tắt nơi người mẹ hay sự tận tụy và dịu dàng của người cha đã truyền tới người xem thứ không khí vừa tình cảm, vừa duyên dáng lại vô cùng bình dị. Thậm chí cả trong những tình huống ngặt nghèo nhất, thì giữa nỗi tuyệt vọng và sợ hãi, người ta vẫn thấy thật nhiều, thật nhiều bóng dáng của thương yêu.

Cách xây dựng thế giới và cắt đặt tình huống trong "A Quiet Place" cũng cho thấy, vị đạo diễn của phim - đồng thời đảm nhiệm vai người chồng tận tụy có cái nhìn thật bao quát lên cả tác phẩm của mình. Xem phim, người xem dù không có nhiều kiến thức về sinh tồn hay một ngành khoa học phức tạp đều có thể hiểu được ý nghĩa của từng thứ nhỏ nhất được được tạo ra trong thế giới không âm thanh ấy - như thể đó chắc chắn sẽ là những điều sẽ nảy ra trong đầu họ, những thứ sáng tạo họ chắc chắn sẽ nghĩ ra khi ở trong tình huống mà các nhân vật đã gặp phải. Còn về lối xây dựng tình huống, hay tạo ra các cao trào hoặc cú twist trong kịch bản, có thể nói nó tuân thủ tối đa Định luật Murphy: "Anything that can go wrong, will go wrong" (tạm dịch: Nếu một việc không may có thể xảy ra, nó sẽ luôn xảy ra). Sự tuân thủ, theo một cách nào đấy, tạo cho bộ phim một không khí chông chênh đầy bất an và chìm trong lo sợ.

Mặt kinh dị của "A Quiet Place" được thể hiện không nhiều ở khía cạnh rượt đuổi dọa ma khán giả như các bộ phim thường thấy. Nỗi sợ hãi - cũng chính là mặt kinh dị được thể hiện trong bộ phim nằm ở cảm giác tù túng của một cuộc sống không lời, của nỗi ám ảnh khi mạng sống có thể bị tước đi bất kể lúc nào chỉ bằng một tiếng động nhỏ. Phần lớn thời lượng của bộ phim - cũng là hơn một năm trời sống sót của gia đình nhỏ, chính là khoảng lặng âm u và bức bối trước cơn bão lớn có thể đổ xuống bất cứ lúc nào.

Giống như chính các nhân vật không thể nào dự đoán trước được những biến cố sẽ xảy ra với mình trong bộ phim, khán giả ngồi trước màn ảnh sẽ không thể dự đoán trước được những tình tiết tiếp theo sẽ xảy ra trên màn hình, trừ việc, như đã nói ở bên trên, nếu tai họa có thể xảy ra, nó chắc chắn sẽ xảy ra, dù ta có tìm mọi cách để kiểm soát. Một sự mù mờ gây nên lỗi lo sợ.

Dù có mang chút không khí của "Sign" (2002) hay kiểu tình huống khuyết tật của một nhân vật lại chính là thứ tạo ra thế thượng phong cho họ như "The Book of Eli" (2010), nhưng "A Quiet Place" vẫn là một bộ phim đặc sắc và được nhớ đến, theo cái cách vừa buồn bã vừa mĩ lệ của riêng nó. Một bộ phim đẹp, về cả phần hình ảnh, nội dung, và những cảm xúc còn đọng lại trong lòng người xem khi bộ phim đã khép lại trên màn ảnh, và bạn quay trở về với ngôi nhà im lặng của chính mình.

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2018

BE WITH YOU/IMA, AI NI YUKIMASU/VÀ EM SẼ ĐẾN hay câu chuyện về cảm xúc từ những góc nhìn







Ban đầu, mình không nghĩ mình sẽ ra rạp xem Và em sẽ đến - bàn chuyển thể cuốn sách Ima, ai ni yukimasu của Hàn năm 2018. Nhưng xong vì một vài lí do, mình lại đi xem. Và bản thân bộ phim khiến mình thực sự cảm thấy hối hận vì quyết định vào phút cuối nông nổi ấy.



Ba bản phim - hai điện ảnh và một truyền hình của "Ima, ai ni Yukimasu"

Mình biết đã, đang và sẽ có rất rất rất nhiều bạn đã ra rạp xem Và em sẽ đến, ngay lập tức phải lòng bộ phim, và đến đoạn này thì bắt đầu cảm thấy khó chịu vì mình nói mình hối hận khi đã xem nó. Các bạn hoàn toàn có quyền, mình không nghĩ sự ghét bỏ ấy là oan ức. Mình cũng không phải kiểu người xem quá khó tính hay xét nét về các bộ phim, nhưng quả thực là vậy, "Và em sẽ đến" khiến mình cảm thấy ấm ức vô cùng sau khi bước ra khỏi phòng chiếu, sau khi đã cùng nó trải qua hết những cung bậc từ ngọt ngào hài hước đến day dứt khôn cùng.

Chuyện là, ngày đầu tiên của mùa mưa năm mình học lớp 10 hay 11 gì đó, mình vô tình mở xem "Be With You" - bản phim điện ảnh của Nhật ấy. Và ngay lập tức, bộ phim đã trở thành trái tim mình vào mỗi mùa hè, giai điệu của nhạc phim - từ "Koe wo Koete" tới "Hana", đều là những giai điệu vô thức vang lên trong đầu mình mỗi khi nhìn thấy những cơn mưa vào mùa hạ... Giống như kiểu mỗi lần đi qua đường Hoàng Diệu, giai điệu của "Bài ca tháng Sáu" sẽ lại văng vẳng cất lên trong đầu mình.

Nghĩ lại thì, vào những năm tháng ấy, khi mình điên cuồng thích đơn phương một người, thì với mình lúc ấy, chẳng có bộ phim tình cảm nào mà tình yêu trong ấy mạnh mẽ hơn được "Be With You", chẳng có khung cảnh nào diệu kì hơn được những vòm lá rừng xanh đẫm nước mưa, hay có cánh cửa nào vừa mở ra được nhiều hạnh phúc và đớn đau hơn cánh cửa cũ sơn số #5... Cùng với một chút ảo vọng và trí tưởng tượng của tuổi thành niên, thì "Be With You" khi ấy với mình đã trở thành nền tảng của sự sáng tạo sau này.

Thậm chí, đến cả khi mình đọc nguyên tác của Ichikawa Takuji, những con chữ ấy cũng chẳng thể mang lại cho mình nhiều cảm xúc như bộ phim năm xưa.

Nói về ba bản phim này, khi đặt cạnh nhau, và đặt cạnh cuốn tiểu thuyết, thì mình chợt nhớ đến bộ phim "Anh hùng" của Trương Nghệ Mưu - đừng cười, trí não của mình nhiều lúc cũng tự đưa đẩy chủ nhân của nó đến những bờ bến khó hiểu lắm.

Tại sao mình lại nói đến "Anh hùng"? Là tại vì trong bộ phim ấy, ba nhân vật chính đã cùng kể lại một câu chuyện theo góc nhìn của cá nhân mình, tạo ra ba "phim ngắn" riêng với ba cảm xúc hoàn toàn khác nhau. Cũng trong trường hợp ấy, cả "Be With You", cà "Ima, ai ni yukimasu" lẫn "Và em sẽ đến" đều kể lại cùng một câu chuyện: người vợ trẻ qua đời trở về nhà một cách thần kì vào mùa mưa đầu tiên sau khi cô qua đời, gia đình họ lại đoàn tụ một lần nữa, trước khi bị đẩy đến một tương lai mà ai cũng biết, nhưng chưa sẵn sàng để chấp nhận.

Và chính cách kể ấy là thứ khiến mình cảm thấy hối hận khi xem "Và em sẽ đến".

Ban đầu, phải khẳng định, đó sẽ là cách kể mà mọi khán giả ra rạp đều sẽ thích. Là cách mà không khán giả nào sẽ bị cốt truyện với những chi tiết kì ảo và mốc thời gian xáo trộn của bộ phim bỏ lại phía sau. Là cách mà rạp chiếu phim sẽ không ngập lụt trong nước mắt, và cụm từ "melo drama" không còn phủ lên bộ phim bóng ma của nỗi buồn. À, và nó còn là cách kể mà khán giả sau khi bước ra khỏi rạp sẽ mang được theo về cùng mình một chút gì đó lấp lánh của niềm vui.

Nhưng đấy chưa hẳn là cách để tái hiện lại trên màn ảnh một tác phẩm của Takuji, càng không phải không khí của "Be with you". Nó có chút gì đấy quá bề mặt, quá phô diễn, quá ồn ào mà thiếu đi những khung hình nhỏ chỉ vừa đủ cho câu chuyện của hai người.

Với Và khi em đến, mình không nhìn thấy không gian của những cánh rừng, không nghe thấy tiếng mưa rơi, không cảm nhận được nỗi lắng lo của người cha hay sự yêu thương cuống quýt của cậu con trai bỗng một ngày kia được gặp lại mẹ. Dường như cuộc sống của họ quá hoàn hảo, quá công thức, và thậm chí, là quá an toàn cho một tình huống trớ trêu như vậy diễn ra.

Nhưng có lẽ nghĩ lại, mình nhớ đến "Be With You" ngày xưa lâu đến vậy, day dứt vì nó lâu đến vậy, cảm thấy nó gắn bó thần kì với mình đến vậy có thể là bởi vì nó thiếu vắng những tiếng cười. Đây đó trong bộ phim, người xem có thể nhìn thấy những nụ cười nở trên môi nhân vật, nhưng chắc chắn mỗi nụ cười ấy sẽ đổi lại nước mắt từ phía người xem. Nhưng giờ là Việt Nam những năm 2018, chắc chẳng có khán giả nào muốn bỏ tiền ra rạp chỉ để rơi nước mắt.

Thế nên, chính sự hài hước duyên dáng của "Và khi em đến" lại là sự "cải tiến" hợp lí để người xem có thể nhanh chóng hòa mình vào với thế giới của bộ phim. Chả có gì để chê trách về sự hài hước ấy cả, ngoài việc ở góc tù mù này của thế giới, có một kẻ vì thế mà cảm thấy buồn.

Viết đến đây rồi, lòng cũng đã trải, mình lại mỉm cười với suy nghĩ, "Và em sẽ đến" cũng đâu có tệ đâu, chỉ là mình chưa chuẩn bị tâm lí đủ vững vàng mà xem nó thôi. "Và em sẽ đến", theo mọi nhẽ, sẽ là một bộ phim tình cảm thật hay, thật dịu dàng, thật da diết mà bạn sẽ không hối hận một chút nào khi xem.

Nhưng với những kẻ trót đã tôn thờ bản điện ảnh đầu tiên như mình, thì nên chăng đây chỉ là một góc nhìn thoáng qua, một lời mời, một chút động lực để vùi mình vào bản phim cũ, với cánh cửa màu xanh sổ #5, với Tinh cầu Lưu Trữ, với nhà kho bỏ hoang giữa rừng và những chú teru teru treo ngược nguyện cầu mùa mưa mãi đừng qua đi.

#quacakidieu






Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

NGƯỜI LẠ TRONG NHÀ - Leila Slimani: Điều bạn không muốn nghĩ về, nó vẫn tồn tại.



Trong cuốn sách này, ngay từ trang đầu tiên, bạn đã được "đặt vào tay" xác của một đứa bé trai đã chết và cơ thể đang hấp hối của chị gái nó - tất cả tội ác này gây ra bởi người vú em đã cố tự sát nhưng bất thành.

Cái chết của những đứa trẻ, ngay trong mở đầu của một cuốn sách. Bạn sẽ nghĩ gì? Hẳn nhiên rồi, tại sao. Tại sao lại bắt tụi trẻ con chết, hay nói đúng hơn, tại sao lại giết chúng.

Và từ đây, câu chuyện của Người lạ trong nhà vặn ngược chiếc đồng hồ thời gian, trở lại những năm tháng cuối cùng trong cuộc đời của hai đứa trẻ yểu mệnh, lục tìm cả trong cuộc đời cha mẹ chúng, mổ xẻ mọi thứ trong cuộc đời chị vú em với "tâm hồn thối rữa", trong nỗ lực tìm mọi cách để trả lời cho câu hỏi "Tại sao?" đầy nhức nhối.

Về mặt tổng thể, trong cuốn sách này, bạn sẽ thấy những cuộc đời thật bình lặng, tìm cách nương tựa vào nhau, trợ giúp nhau để mọi thứ ở vào trạng thái cân bằng của nó. Cuộc sống cứ thế bình lặng và yên ả trôi đi trong trật tự, và đôi khi là hạnh phúc, cứ như thể vụ giết người - kết thúc của toàn bộ chuỗi hồi tưởng ấy, chỉ là một đoạn bản tin trên màn hình chiếc TV quên tắt, hoặc một chương truyện mà chính bản thân tác giả đãng trí thêm vào. Đọc tới giữa cuốn sách, bạn sẽ muốn coi vấn đề chưa được giải quyết ấy như thứ gì chưa từng tồn tại.

Các nhân vật trong cuốn sách, dù có những thói tật gây phiền hà, có chút đỏng đảnh đáng ghét thoáng qua, nhưng bản thân họ vẫn tồn tại như những con người với một cuộc đời lương thiện, làm những công việc lương thiện, cư xử với nhau một cách nhã nhặn và tử tế... Cặp vợ chồng nhân vật chính là những người lương thiện, hẳn nhiên. Lũ trẻ? Chúng chẳng thể là gì khác ngoài lương thiện, chị giúp việc thiên thần cũng mang bộ mặt của một người lương thiện.

Nhưng những thừa số lương thiện cộng lại với nhau thành một tổng thể của tội ác. Thật bệnh hoạn đúng không? Nhưng đó chính là câu chuyện mà chúng ta đang theo dõi. Bởi dường như sự lương thiện giữa các nhân vật ấy, tuy giống một cái cây rợp tán, nhưng bất kể lúc nào cũng có thể gục chết bởi một sự gián đoạn bên trong mình. Đó có thể là bất cứ thứ gì, một lời nói gây phật ý, một phát hiện không mong muốn, một lời gợi ý giúp đỡ bị cố tình hiểu thành sự xuất hiện phiền nhiễu... Và hơn tất cả, là sự quay lưng lại với những vấn đề của chính bản thân mình.



Ai mà chẳng muốn có một khởi đầu mới, hay một góc yên ổn cho riêng mình chứ. Nhưng ta chẳng thể nào có được cái góc ấy bằng cách đòi hỏi nó một cách vô lí từ những người xung quanh, thậm chí ảo tưởng về nó, mà cố tình vờ như không biết những vấn đề ngổn ngang đang ngáng trở cuộc đời mình. Bạn biết đấy, sống một cuộc đời như thế giống như thể bạn đang muốn dùng niềm tin xây lên cả một tòa lâu đài vậy.

Sự cố tình trì hoãn ấy chính là cái bẫy mà mọi nhân vật trong cuốn sách này sa chân vào. Với một vài trong số họ, sự trì hoãn nhằm phục vụ một tiện nghi chưa thể dứt bỏ, nhưng với một kẻ khác, sự cố tình trì hoãn ấy lại là cái phao cứu sinh để bám vào, để thấy cuộc đời vẫn là một chuỗi vận hành trơn tru, để mỗi khi khó khăn xảy ra, con người ấy lập tức chạy đi kiếm tìm một "khởi đầu mới". Rồi khi khởi đầu mới ấy không diễn ra như mong đợi, thì cơn giận giữ, lại ngay lập tức trút xuống đầu những con người giơ tay ra giúp mình đang đứng xung quanh.

Đôi khi mình đã nghĩ, mình sẽ ghê tởm hoặc sợ hãi hành động giết người của chị vú em; nhưng rồi mình nhận ra mình còn cảm thấy kinh khủng hơn thế, một cảm giác ghét bỏ rõ nét người vú em ấy, vì cách mà chị ta đã sống cuộc đời mình. Một cuộc đời chẳng có gì nhiều nhặn hơn sự trì hoãn, và đổ lỗi.

Nếu bạn mong chờ một cuốn sách trinh thám, thì, ờ, bạn chọn nhầm rồi. Nhưng nếu bạn muốn tìm một cuốn sách sẽ truyền cho bạn "cảm hứng" để nhấc mông đi giải quyết cho rốt ráo, hoặc ít nhất là nghiêm túc cân nhắc lại những vấn đề của cuộc đời mình, thì sách đây, xin mời bạn.

Nghĩ lại, thì mình có duyên với mất cuốn thắng giải Goncourt ghê.


Hơi buồn cười một tí, là khi đọc cuốn truyện mang màu sắc tâm lí tội phạm này, mình lại cảm thấy như đang đọc Chicken Soup For the Soul :))) Tất nhiên là một phiên bản "súp gà" chất lượng 5 sao mà màu sắc mùi vị của nó khiến bạn thấy nó "ngon", chứ không phải đủ thứ quảng cáo màu mè trang trí xung quanh.

Ngẫm lại thì có lẽ tại trên bìa có hình bộ xương gà nên tự nhiên liên tưởng tới súp gà :)))) Đạo cụ trong hình là dẻ xương sườn, đôi chân giò và vài bộ phận khác mượn từ mô hình chị lợn Ê-li-da-bét của mình :))))

Hết 5 phút trữ tình ngoài lề.