A Walk in the Clouds giống như một ngôi sao băng rơi
xuống cuộc đời tôi, trong đêm trước ngày cuối cùng của kì nghỉ lễ, giữa cơn
chán nản thường niên mà những thứ đồ chơi quen hay sở thích quen thuộc không thể
khoả lấp được. Bộ phim được chọn ra giữa một list dài các danh sách gợi ý vô
thưởng vô phạt, và tôi đã chọn nó, chỉ vì nó là một bộ phim của thế kỉ trước,
và nó có Keanu Reeves.
Bộ phim bắt đầu bằng một đoạn phim đen trắng,
quay cảnh chiến tranh, rồi thành phố với cửa sông và những con tàu khổng lồ đưa
những người binh sĩ quay trở về. Cảnh tượng ấy lập tức khiến tôi liên tưởng đến
một bức tranh thời hậu chiến đầy những mất mát và khổ đau. Nhưng không, đó
không phải A Walk in the Clouds, bởi khoảnh khắc tiếp sau đó, khi Paul – Keanu
Reeves bước xuống tàu, phần “lịch sử” với hai sắc màu đen-trắng kết thúc, màu sắc
xuất hiện, giống như cánh cổng dẫn vào một giấc mơ êm đềm xa rời những bi kịch
mới kết thúc vào ngày hôm qua.
Giấc mơ ấy bắt đầu bằng niềm hân hoan của chàng cựu
chiến binh tên Paul, ra mặt trận với tình thương yêu gửi lại người vợ nơi quê
nhà – một mối tình tiêu biểu của thời đại ấy, được gói gọn trong lời đùa cợt
“yêu nhau vào ngày thứ Sáu, cầu hôn vào ngày thứ Bảy, đám cưới vào ngày Chủ nhật
và lên đường nhập ngũ vào ngày thứ Hai”. Người bạn của Paul cũng đùa rằng có lẽ
Paul cũng chẳng thể nhớ nổi khuôn mặt của vợ mình, nhưng Paul khẳng định chắc nịch
rằng anh vẫn nhớ. Và đúng vậy, Paul chưa một ngày quên cô.
Cuộc hôn nhân của Paul chính là ví dụ cho những ảnh hưởng
của chiến tranh lên cuộc đời một con người. Ranh giới giữa sống và chết, nỗi ám
ảnh về “thời gian còn lại” đẩy người ta đi đến chỗ sống vội vã và hối hả đưa ra
những quyết định lớn trong cuộc đời – vì biết đâu mình sẽ chết ngay trong trận
đánh đầu tiên của đời quân ngũ. Người ta có thể mong đợi gì hơn ở
một cuộc hôn nhân chóng vánh, một cuộc hôn nhân giống nhiều hơn với một dấu tick
trong danh sách những việc cần làm của một chàng trai trẻ với nỗi ám ảnh sẽ
không sống đủ lâu để đi qua đủ những cột mốc trong cuộc đời mình?
Sau những ngày gượng gạo bên người vợ đáng lẽ ra phải mừng vui khi gặp lại, Paul xách vali lên đường, xếp lại kế hoạch cuộc đời
đẹp đẽ mà anh đã dày công tưởng tượng suốt những năm trong quân ngũ. Có ý
nghĩa gì đâu khi người phụ nữ của anh không muốn biết về chúng. Tất cả những gì
cô muốn, là anh quay lại với công việc của mình – nhân viên tiếp thị sô cô la,
và tạm thời biến mất khỏi căn nhà mà họ tưởng như sẽ cùng chia sẻ. Trên chuyến tàu đi Sacramento,
Paul vô tình đụng phải một cô gái vô cùng xinh đẹp. Dù rằng với anh, cô
giống với một “vận rủi” xinh đẹp. Một “vận rủi” mà anh vô cùng may mắn mới bắt gặp.
Victoria -"vận rủi" may mắn của cuộc đời Paul
Từ tàu lửa chuyển sang xe khách, rồi từ xe khách bị vứt
bỏ lại giữa đường vì trót làm anh hùng giải cứu mĩ nhân khỏi những kẻ quấy rối,
chàng trai Paul, mệt mỏi và kiệt quệ, lại một lần nữa nhìn thấy cô gái mặc váy
đỏ, giữa con đường mòn và bốn bề rừng núi. Cô gái ấy đang khóc, không phải vì
người bà yêu quý đã bị sói dữ ăn thịt như trong câu chuyện kể mỗi đêm khuya. Cô
khóc vì niềm hạnh phúc – cũng đồng thời là nỗi bất hạnh đang giáng xuống cuộc đời
mình. Cô đang mang thai một đứa bé, nhưng cha của nó lại ruồng bỏ cô, và bố của
cô sẽ giết cô vì chuyện đó.
Dưới vòm rừng yên tĩnh, nhìn thấy một cô gái đang cơn
bối rối, không nơi nương tựa, chìm trong bế tắc, bạn sẽ làm
gì? Chắc hẳn trong khoảnh khắc ấy, có một phần nào đó của Paul đã đồng cảm với tình
cảnh mà cô gái Victoria đang gặp phải. Họ đều là những người bị quay lưng lại bởi
người mình ngỡ như cả thế giới, ra đi mà không rõ mình phải đi đâu, hay cần gì.
Có khác chăng, với Paul, chặng đường của anh còn ở phía trước, còn với
Victoria, đã là chốn đường cùng. Và đó cũng chính là lúc, câu chuyện cổ tích bắt
đầu giữa họ, khi Paul đề nghị sẽ giả làm chồng của Victoria và cùng cô về ra mắt
gia đình. “Đến vào buổi tối, và ra đi vào sáng hôm sau.”
Điều buồn cười của tình huống này, với tôi, đó là cái
kịch bản không-thể-nhạt-nhẽo-hơn-được, bị sử dụng tới độ nhàm chán trong những
kịch bản phim truyền hình để câu nước mắt khán giả trong những
thập niên đầu tiên của thế kỉ 21, sao lại có thể vừa buồn bã lại vừa ngọt ngào
đến vậy trong một bộ phim làm vào thập niên 90 của thế kỉ 20. Khoảnh khắc Paul
đeo vào tay Victoria chiếc nhẫn của “cô dâu tháng Năm” – món đồ tặng kèm rẻ tiền
trong hộp sô cô la anh mang theo người, thế giới trong bộ phim như bừng sáng, một
thứ ánh sáng trong trẻo của lòng nhân hậu và sự sẻ chia không màng lợi ích.
Paul và Victoria trở về nhà cô – một trang trại trồng
nho mà tổ tiên Victoria từ hàng trăm năm trước đã dày công gây dựng. Sự xuất hiện của
đôi vợ chồng hờ được chào đón bởi cả trang trại một cách vô cùng ồn ào và náo
loạn. Giống như cái ồn ào và náo loạn xảy ra với mọi gia đình khi họ chào đón một
người thân yêu nơi phương xa quay về. Có tiếng cười, có những cái ôm, và cả những
lời quát nạt. Nhưng trong khoảnh khắc đoàn viên ấy, ngay cả những lời quát nạt
giận dữ cũng vẫn sẽ được ghi nhớ như những nụ cười.
Tiếp sau một bi kịch gia đình thời hậu chiến, một cuộc gặp gỡ hài hước và lãng mạn, A Walk in the Clouds mở ra trước mắt khán giả
một bức tranh gia đình ấm áp tình thương giữa khung cảnh xanh mướt của những
dây nho đang vừa độ quả chín. Gia đình ấy có một người cha lúc nào cũng quạu cọ, cảm
thấy bị phản bội bởi cả gia đình vì chẳng ai đứng về phía ông trong cuộc đối đầu
ngầm chống lại anh con rể bất đắc dĩ, có một người mẹ vừa dịu dàng vừa thông
minh, có ông bà đã yêu nhau qua nhiều thập kỉ, thông thái và khéo léo, mềm mỏng
giải quyết mọi việc theo cách của riêng mình. Đó là thế giới của Victoria ở vườn
nho của gia đình – trang trại với cái tên giản dị “Đám Mây”, là thế giới mà cô
vừa sợ hãi lại vừa yêu mến, vừa cố hết sức mình để che giấu và bảo vệ. Nhưng ở một
khía cạnh khác của câu chuyện, dưới góc nhìn của Paul, đó lại là một giấc mơ đẹp
mà cả cuộc đời này anh không bao giờ có được.
Nỗi bất hạnh ấy như một vệt mờ trên thành chiếc ly thuỷ
tinh bóng sáng chứa bên trong nó thứ rượu vang hảo hạng được gia đình Victoria làm
ra từ những trái nho trồng trên chính mảnh đất của họ. Vết bẩn ấy không khiến
thứ rượu bớt đi mùi vị, nhưng rõ ràng nó khiến người thưởng thức đôi lúc phải
cau mày. Bởi sau tất cả những hạnh phúc, những hài hước cười đùa khơi nguồn từ
cuộc cạnh tranh trong im lặng giữa bố và con rể, hay sự tác hợp đầy ẩn ý của
ông và bà, A Walk in the Clouds vẫn là câu chuyện về anh lính giải ngũ
chơi vơi giữa mong muốn và thực tại, cô gái Victoria không tìm được cách để cất
lên tiếng nói của mình, và thứ vừa là tình yêu chân thành mê đắm, vừa là thứ mặc
cảm tội lỗi mà họ không thể nào vượt qua. Vì anh đã có vợ, còn cô mang thai đứa
con của một người khác. Gia vị cho câu chuyện tình yêu bi kịch ấy là một người
bố bảo thủ với nỗi ám ảnh về trách nhiệm với gia đình.
Đôi lúc, giữa bộ phim, tôi đã ghét Paul kinh khủng.
Tôi ghét Paul vì tại sao anh cứ mãi bị ám ảnh bởi người vợ không xứng đáng mà
buộc phải giữ mình tránh xa khỏi Victoria; tại sao sự tận tuỵ của anh với
Victoria lại giống như một hình phạt? Không phải cả cuộc đời cô độc của Paul,
anh chỉ mơ về một mái ấm gia đình, và suy nghĩ ấy đã giữ anh sống sót suốt cả
cuộc chiến hay sao? Vậy mà khi báu vật ấy đến bên anh, trong dáng hình một cô
gái mặc váy đỏ, Paul lại chần chừ quay lưng. Có lẽ sự thể ấy cũng có thể lí giải
bằng hai từ “tận tuỵ”. Paul tận tuỵ với gia đình mà anh đang có, với một người
vợ từ chối lắng nghe những suy tư của anh, từ chối đọc những lá thư anh viết từ
mặt trận, không xuất hiện trong ngày anh từ chiến trường trở về… chỉ vì cô ấy
là vợ anh, và đó là gia đình đầu tiên anh có được.
Một sự cứng đầu đáng ghét. Nhưng cũng đáng thương, và
đáng yêu vô cùng.
Khoảnh khắc buồn nhất bộ phim với tôi, có lẽ là cảnh
bình minh trên đường quốc lộ, Paul xin đi nhờ một chiếc xe tải. Người tài xế xe
tải hỏi anh, qua lớp kính cửa, rằng Paul đi từ đâu tới. Paul trả lời, anh vừa dạo
bước trên mây. Và người tài xế đáp, chào mừng anh trở lại mặt đất. Còn gì buồn
hơn thế chăng? Khi tháng ngày hạnh phúc chỉ là cuộc tản bộ giữa những đám mây,
nửa hư nửa thực, nửa này đáng tin, và nửa kia bất khả. Paul đã có được trong
tay hạnh phúc, nhưng hạnh phúc ấy yêu cầu anh một sự tráo đổi. Nhưng Paul không
giống như nàng tiên cá Ariel sẵn sàng cho đi giọng hát của mình để đổi lại đôi
chân bước đi trên mặt đất. Anh chọn trở lại mặt đất và sống với thực tại của
chính mình. Khó có thể phân định rạch ròi quyết định của Paul là dũng cảm hay
hèn nhát, bởi ở nhẽ nào đi nữa, nó cũng là sự hi sinh của chính anh, để bảo
toàn những giá trị mà anh tận tuỵ vun đắp và bảo vệ. Ở khía cạnh đó, Paul phần
nào đã trở thành một hình ảnh khác của người cha mà Victoria luôn kính sợ - người
cha hi sinh cả cuộc đời mình để cống hiến cho gia đình, mà quên đi mất tình yêu
thương của ông cũng chính là sự cống hiến. Bởi hạnh phúc của chính ông cũng
đóng góp vào hạnh phúc của những người mà ông mong mỏi họ được hạnh phúc.
Tất nhiên A Walk in the Clouds không khép lại ở cảnh
phim đó, nó chỉ là một nốt lặng để sau đó, bộ phim chuyển sang một chương mới, có
mất mát và đau thương nhưng đầy tươi sáng và ngân nga mãi thanh âm của hi vọng
và hạnh phúc đoàn viên. Nhưng với tôi, phiên bản bộ phim của tôi đã khép lại ở
chuyến xe ấy, bởi theo một lối logic kì quặc nào đó, nó khiến tôi liên hệ tới
chính cuộc đời riêng của Keanu. Anh giống như Paul khi ấy, đã không lựa chọn bước
tiếp, mà đứng lại mãi với nỗi đau của riêng mình.
Hãy xem A Walk in the Clouds như cách bạn chậm rãi đọc
một cuốn tiểu thuyết xưa cũ. Không phải vì bối cảnh chính của bộ phim là những
năm sau Chiến tranh Thế giới thứ II hay vì bản thân bộ phim đã là một sản phẩm
của thập niên trước. Hãy xem nó thật chậm rãi, vì giữa từng lời thoại hay thẳm
sâu trong thế giới của mỗi nhân vật, là một câu chuyện dài xứng đáng được lắng
nghe.
Tình yêu cần được lắng nghe, và xứng đáng được lắng
nghe. Quay lưng lại với tâm tư ấy, là người ta đã không còn xứng đáng với nó nữa
rồi.
Anh
Phan.
Bộ phim này mình xem rất lâu rồi. Cũng cỡ 10 năm. Bữa nay nhà ở chung cư bị mây, sương mù quây kính, không nhìn thấy chân, bạn cùng giường bảo như đi trên mây, nhớ lại tiêu đề phim tìm lại. Đọc đc cảm xúc của bạn y như vừa đc xem lại tập phim.
Trả lờiXóaQuả thật phim nếu chốt ở khúc anh bắt xe tải về quê thì đúng hơn là cố trở lại lễ hội rượu vang. (Sau khi bị người hôn thê chối bỏ) . Kết ở lễ hội rượu vang vội vàng quá.