Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Mùa Hè chiều thẳng đứng - Bức chân dung sau những song cửa thời gian

Là bộ phim thứ ba nằm trong "Vietnamese trilogy" của đạo diễn Trần Anh Hùng, Mùa Hè chiều thẳng đứng (The Vertical Ray of the Sun) đã dùng ngôn ngữ điện ảnh để hoạ lại hai bức tranh - bức tranh hoạ lại nhịp thở của Hà Nội - đô thị của một thời quá vãng, và bức tranh những con người náu mình trong những khung cảnh cũ xưa ấy - những người đàn ông, những người đàn bà, những cô gái, những chàng trai, những người đã chết và những người còn sống.

Poster tiếng Pháp của phim

Mùa Hè chiều thẳng đứng kể lại câu chuyện về một gia đình gồm anh trai và ba chị em gái, gói gọn trong khoảng thời gian một tháng kẹt giữa hai mốc sự kiện: ngày giỗ cha và ngày giỗ mẹ. Câu chuyện phim bắt đầu từ một buổi sáng, trong căn nhà của hai anh em Liên - cô con út trong gia đình. Theo chân Liên - cô gái tràn đầy nhựa thanh xuân, với một chút "gia vị" tính cách đến từ sự uể oải, nhõng nhẽo, và ngờ nghệch của đứa em út được các anh chị yêu chiều và bao bọc, người xem bước chân vào thế giới của Mùa Hè chiều thẳng đứng - một thế giới mà vào thời điểm những năm 2016, giống nhiều hơn với một vũ trụ xa thẳm đã phủ một lớp bụi thời gian.


Mình khá tò mò muốn biết, liệu vào giữa những năm 2000 - thời điểm mà bộ phim ra mắt, những khán giả thời kì ấy cảm nhận như thế nào về không khí của bộ phim, về bối cảnh của nó - cả sự chật chội và cả sự mênh mang. Bởi so với mình của 16 năm sau, hẳn khi ấy người ta sẽ sống gần hơn những hiện diện về mặt vật chất của những gì bộ phim miêu tả. Ngôi nhà cổ với cầu thang gỗ và những ô cửa sổ xanh mênh mông, con phố đêm với hai bên hàng quán im lìm, người vợ khoác tay chồng đi giữa lòng đường không bóng xe cộ... ở đâu trong thành phố này mình có thể tìm lại được những khung cảnh ấy?

Thế nên ngay từ khung hình đầu tiên của Mùa Hè chiều thẳng đứng, mình đã rơi vào một trạng thái gần như bị chính bộ phim "nuốt chửng". Mình chìm nghỉm giữa bộ phim, trong từng khung cảnh, từng mảng màu,  từng cành hoa, ô cửa sổ hay từng giai điệu được cất lên. Giữa những màu sắc và hình khối ấy, những nhân vật trong phim cũng khoác lên mình một diện mạo thật khác biệt. Đó là diện mạo của những người nằm ngoài dòng chảy của thời gian, diện mạo của những người ở một khung trời khác, mãi mãi được bảo lưu trong một khoảng không - thời gian của riêng họ. Khoảng không - thời gian ấy chỉ có thể được miêu tả bằng những thứ chung chung như "đương đại", "đã qua", "quá khứ"... Nhưng quá khứ ấy là thế kỉ nào, đã qua được bao lâu, hay cách xa bao nhiêu so với hiện đại dường như là câu hỏi khó trả lời.

Bởi giống như những sở hữu thuộc về quá khứ, qua sự tái hiện và mô tả của kí ức cảm xúc con người, không thể xác định hay ước lượng quãng rộng của thời gian. Làm sao ta nhận ra ta đã cách xa một thứ gì đó - một mảnh kí ức chẳng hạn, bao xa, khi lúc nào nó cũng nằm trong lòng ta, chỉ chực chờ một khoảnh khắc bâng quơ để được gợi nhớ về?

Giữa những ngày tháng của quá khứ ấy, ba nhân vật nữ, cũng là ba chị em gái lần lượt thì thẫm kể lại thân phận tình yêu của mình. Cái cách họ kể lại những câu chuyện tình yêu ấy cũng thật giàu nữ tính. Nó vừa đầy bản năng giới tính - giống như câu chuyện bên giàn nước khi ba chị em làm gà cúng mẹ, nhưng cũng vừa hay có chút gì thanh tao thoát tục - như cái cách ba chị em ngồi tựa vào nhau, bên khung cửa sổ hướng ra khu vườn xanh ngắt tĩnh lặng. Mùa Hè chiều thẳng đứng là một chuỗi những sự kiện như thế, hai mặt, không rõ buồn vui, chẳng thể lường được hoạ phúc. Ta chỉ có thể thấy rõ soi mình trong đó là thân phận những người phụ nữ, của một thời đã qua, của một thời đã xa, của một chút gì đó được truyền từ mẹ sang con gái, từ người phụ nữ này sang người phụ nữ khác, mang lại cho họ cả hạnh phúc lẫn khổ đau.

Đó không chỉ là thân phận của tiết hạnh, đó còn là thân phận của tình yêu, của khao khát yêu và được yêu luôn cháy bỏng. Thứ khao khát ấy khiến cô em út Liên dầm mưa đi tìm chàng trai mình đem lòng yêu mến, khiến người chị cả tên Sương ngã vào vòng tay của một người đàn ông xa lạ. Thứ khao khát ấy mang lại cho họ niềm hạnh phúc, nhưng cũng đẩy họ vào khổ đau, khi chàng trai kia vì thấy mình quá non trẻ mà tìm cách thoái thác Liên. Nhìn Liên, nhìn cái cách cô sống hồn nhiên và không phòng vệ trước tất cả những thứ ùa đến bên mình, ta có thể an tâm mỉm cười. Vì cô được yêu thương, bởi các thành viên trong gia đình cô được gắn kết với nhau bằng một mối dây tình cảm và trách nhiệm bền chặt. Vì cô được yêu thương bao bọc, nên thế giới bên ngoài kia với Liên luôn là những điều mới mẻ, để cô bung mình, và cả một chút mù quáng, chạy ùa theo nó.

 Nhân vật Sương - trong vai trò người chị cả, người vợ phải cáng đáng chuyện gia đình lại dường như đang một lần nữa tái hiện lại cuộc đời mẹ mình. Người mẹ ấy trước khi qua đời có một di nguyện mong các con hãy đi tìm người tình thời trẻ của mình. Di nguyện ấy đã khiến chồng bà muộn phiền mà qua đời chỉ một tháng sau vợ mình. Sương phải tự chiến đấu với bản năng của mình, để giữ trọn trinh tiết với chồng. Cô không để nhân tình nghe thấy tiếng nói của mình. Nếu anh muốn nghe em nói, thì từ lần sau chúng mình sẽ không gặp nhau nữa - người phụ nữ ấy đã kiên quyết như vậy. Cô chỉ mấp máy môi, và gã si tình là người nhắc lại những cử động mơ hồ ấy bằng âm thanh của chính mình. Một mối quan hệ chỉ thực sự là một mối quan hệ khi người ta gọi nó bằng một cái tên. Và làm sao người ta có thể thực sự là gì đó của nhau khi từ chối cất tiếng gọi tên của người còn lại. Người ta không thể nói hay nghe thấy âm thanh trong những giấc mơ. Người đàn bà tên Sương ấy đã biến thực tại thành giấc mơ theo một cách thật lạ kì như thế.

Không bị giày vò như người chị cả Sương hay đầy hoang hoải như cô em gái Liên, cuộc hôn nhân của Khanh, ở một ngưỡng nào đó, có thể nói là vẹn toàn. Cô yêu và cưới một người đàn ông yêu thương cô. Và cô cũng yêu thương anh hết mực. Nhưng thử thách mà Khanh phải vượt qua cũng không vì thế mà bớt đi những lựa chọn khó khăn. Người chồng nhà văn đi công tác xa vài ngày để hoàn thiện nốt những trang cuối của cuốn tiểu thuyết dang dở. Anh trở về, toàn vẹn là anh như trước khi ra đi, với cuốn tiểu thuyết đã được hoàn thiện, và một mảnh giấy ghi mấy dòng thời gian và số phòng bằng son đỏ cài trong túi áo. Người xem biết anh ta là một người chồng chung thuỷ, một người chồng tuyệt vời khi đã chiến thắng được bản năng vào phút cuối và quay lưng đi khỏi căn phòng có người phụ nữ quyến rũ đang mời gọi. Nhưng ở khía cạnh khác của câu chuyện, Khanh liệu có biết được những điều chồng mình đã làm được nhờ tình yêu với cô?

Thử thách dành cho Khanh, chính là lòng tin. Lòng tin vào sự chung thuỷ. Bức chân dung của Khanh trong Mùa Hè chiều thẳng đứng chính là hình ảnh một người phụ nữ dần mất đi sự hồn nhiên. Không phải sự hồn nhiên của tuổi trẻ, mà là sự hồn nhiên để trao đi sự tin tưởng và tình yêu.

Những câu chuyện tình yêu trong Mùa Hè chiều thẳng đứng cứ thế diễn ra, đan xen vào nhau nhẹ nhàng giữa cuộc sống tĩnh lặng trong những căn nhà cổ. Những quãng biến cố lớn rồi cũng nhanh chóng được dàn xếp xong xuôi - không phải bằng những đổ vỡ hay chia ly - đó là cách của những năm 2016, khi người ta tưởng mình có quá ít thời gian để sống, mà bằng sự dàn xếp và thích nghi. Tự dàn xếp với chính mình, và tự dàn xếp với những người xung quanh. Tự tìm cách thích nghi với nỗi đau, cho đến khi thời gian biến nó thành một thói quen chấp nhận được. Sự dàn xếp và tự thích nghi ấy khiến cho người xem có cảm giác như thể các nhân vật trong bộ phim sẽ sống cuộc đời dài hàng trăm năm, với những buồn vui tủi hận chỉ kéo dài như chớp mắt.

Sự bình thản ấy cũng vừa là cái khiến mình thích thú song song với bất an lo sợ khi nghĩ đến việc sẽ xem một bộ phim làm về Việt Nam đương đại. Chứng kiến những điều bất hạnh hay biến cố xảy ra với cuộc đời một nhân vật hay lo lắng sợ hãi việc nó sẽ đột ngột ập đến giữa khung cảnh yên bình cũng buồn như chính việc chứng kiến những bất hạnh hay biến cố ấy cuối cùng cũng chỉ là một sự kiện - có thể khiến đời họ tốt đi hay xấu lên, nhưng không tạo được những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc sống của họ. Như Sương vẫn là vợ của một nhà thực vật học, như Khanh vẫn chỉ là người vợ ngồi bên hiên nhà, tay cầm mảnh giấy mà lòng ngổn ngang trong im lặng, hay Liên vẫn là cô gái tồ tệch chạy về khóc lóc làm các chị cô lo lắng hết hồn vì một hiểu lầm ngớ ngẩn... Cuộc đời phản chiếu một cách chân thực trên điện ảnh sao khác quá xa những cốt truyện được hư cấu và cường điệu.

Ấy thế nhưng trong một khoảnh khắc diệu kì của cuộc sống, mười phút cuối của Mùa Hè chiều thẳng đứng mang lại cho mình một cảm giác thật nhẹ nhõm và ngọt ngào. Dường như chính đạo diễn kiêm biên kịch Trần Anh Hùng cũng không muốn khép lại câu chuyện cổ tích phi thời gian của mình bằng một bi kịch của nước mắt hay những điều trọn vẹn nhưng dở dang. Mùa Hè chiều thẳng đứng có hai cái kết - một khép lại câu chuyện của ba chị em gái, và một khép lại cánh cửa dẫn vào thế giới mênh mang - không gian của một Hà Nội ngày xưa được bộ phim lưu giữ lại trong từng góc máy hay bối cảnh. Cả hai cái kết đều kết thúc bằng nụ cười - tiếng cười của ba chị em gái, cũng chính là tiếng cười oà của khán giả trước thông báo hết sức nghiêm trọng của Liên - cuối cùng lại chỉ là "báo động giả"; và nụ cười trên miệng mỗi khán giả trong cảnh cuối phim, khi họ lại được nhìn thấy thêm một buổi sáng nữa trong ngôi nhà của Liên và anh trai cô - họ luôn xuất hiện vào buổi sáng, thấy những sự kiện vừa qua không hề để lại trong Liên những nỗi buồn, và thế giới của họ lại bắt đầu trong một vòng lặp mới. Họ đến nhà chị Sương để làm giỗ cho bố - một tháng sau ngày giỗ của mẹ.

Sau ngày giỗ ấy, hẳn nhiên chồng Sương sẽ lại lên đường chu du đến những miền mà trái tim anh thấy thanh thản, Khanh và chồng sẽ lại khoác tay nhau đi dưới hàng cây của một con phố khuya, cùng nói về đứa con đang thành hình của họ, và sáng hôm sau, Liên sẽ lại tỉnh dậy, sẽ lại tiếp tục hồn nhiên sống, hồn nhiên yêu. Cuộc sống trong thế giới nhỏ tinh khôi ấy sẽ vẫn được bảo toàn và tiếp tục, an toàn xa rời khỏi sự huỷ hoại của thời gian, và của chính sự đổi thay trong trái tim mỗi con người.



Anh Phan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét